Một trong những yếu tố thu hút khách du lịch chính là món ăn nổi tiếng Hội An. Nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng với vô vàn những món ăn ngon. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn những món ăn nổi tiếng tại Hội An nhất định phải thử khi đến đây.
1. Cao lầu
Món ngon ở Hội An đầu tiên phải kể đến đó chính là Cao lầu, đặc sản nổi tiếng số 1 đối với khách du lịch Quảng Nam nói chung và du khách phố Hội nói riêng. Bởi chỉ có Cao lầu được làm từ những nguyên liệu ở nơi đây, con người nơi đây và ngồi ăn ở chính đây thì bạn mới cảm nhận được hết vị ngon của món ăn ngon ở Hội An vô cùng đặc biệt này.
Cao Lầu là sự kết hợp tài tình giữa sợi cao lầu vàng óng cùng với thịt nạc đùi heo xá xíu, da heo giòn hay là sợi cao lầu chiên, bánh tráng nướng, đậu phộng rang béo ngậy và rau thơm trà quế. Hương vị chính khiến ta mê mẩn món ăn này phải nói đến phần nước dùng, có vị mặn ngọt đậm đà rất vừa miệng và beo béo hấp dẫn vô cùng. Đây chính là nước được tẩm gia vị khi chế biến thịt xá xíu ướp với ngũ vị hương.
2. Bánh bèo
Nói đến ẩm thực Hội An thì chắc chắn không thể bỏ qua bánh bèo, đặc sản miền Trung nổi tiếng được rất nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích. Điểm đặc biệt của bánh bèo Hội An là phần nhân sử dụng các nguyên liệu thịt mỡ, tôm xay nấu sền sệt, cho thêm chút hành phi và rắc chút bánh mì thái sợi giúp món ăn thêm phần hấp dẫn. Nước mắm chua cay ăn kèm cũng góp phần làm cho bánh bèo Hội An thêm đậm đà.
3. Bánh xèo
Một món ăn mà đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với người dân Việt Nam đó chính là món bánh xèo. Bánh xèo có ở nhiều nơi nhưng bánh xèo Hội An lại mang một hương vị đặc trưng rất khác so với những nơi khác. Những chiếc bánh xèo Hội An được chế biến công phu ngay từ khâu chọn lọc nguyên liệu, xay bột đến làm nhân bánh đã trở thành một món ăn yêu thích của du khách khi đến với phố cổ Hội An.
4. Hoành thánh
Từ lâu, hoành thánh đã có chỗ đứng đặc biệt trong lòng thực khách khi du lịch Hội An. Hoành thánh Hội An được chế biến khá đơn giản và chiên giòn cùng với dầu.
Sau khi thưởng thức nó, những dư vị tuyệt vời sẽ làm bạn phải nhớ mãi. Phần vỏ bánh ăn vào giòn tan, pha lẫn một chút vị ngọt của tôm cùng mùi hương hấp dẫn của gia vị, tất cả như được cộng hưởng vào nhau tạo nên một món ăn đặc sắc khó quên.
5. Bánh vạc – bông hồng trắng
Nếu ai từng thưởng thức qua món bánh vạc - bông hồng trắng Hội An thì hắn vẫn còn nhớ cái vị chua cay đặc trưng, đậm đà khó cưỡng của món ăn này. Lớp vỏ trong suốt đẹp mắt, nhìn thấy được cả lớp nhân thịt bên trong.
Các nguyên liệu của phần nhân bánh gồm có thịt, tôm băm nhỏ, nấm, mắm, tiêu, hành,… Có 2 cách để chế biến bánh vạc là làm chín nhân xong mới cho vào bánh, hai là cho nhân sống vào vỏ bánh rồi hấp chung. Khi ăn bánh sẽ có nước mắm tỏi ớt chấm cùng để làm tăng hương vị.
6. Chè bắp
Chè bắp non khi mới bẻ về sẽ được lột vỏ, rửa sạch và râu ngô. Sau đó được đem đi luộc qua để lấy nước nấu chè, còn hạt ngô sẽ được bào mỏng khi ăn sẽ thấy ngọt và ngon hơn.
Để có thể tạo nên được hương vị ngọt thanh của chè bắp, người dân Hội An không nấu dừa bằng nước dừa như thông thường. Thay vào đó, họ chỉ chan một chút nước cốt dừa lên trên để không lấn át được vị ngọt của bắp. Khi ăn sẽ trộn đều chè và nước cốt dừa để có thể cảm nhận được vị sánh quyện thơm ngon hấp dẫn của món chè bắp Hội An.
7. Cơm gà Hội An
Để so sánh về độ nổi tiếng, cơm gà Hội An cũng có thể sánh ngang với cao lầu. Nó còn được xem là niềm tự hào của người dân phố Hội. Và có lẽ chính vì thế mà nhiều người hay nói rằng đến phố cổ mà chưa ăn cơm gà coi như chuyến đi của bạn chưa thể trọn vẹn được.
Cơm gà Hội An được làm từ hai nguyên liệu chính là thịt gà và cơm. Gạo để nấu cơm gà phải chọn gạo cũ, để ít nhất từ một năm trở lên nhưng phải đảm bảo là loại ngon, thơm bùi. Gạo ngâm nghệ sau đó vo sạch, đem nấu bằng nước luộc gà, lá dứa và mỡ gà. Khi chín, mỡ này tan ra khiến cơm tơi và thơm hơn.
Nguyên liệu quan trọng còn lại của món ngon Hội An là loại gà tơ hay thả vườn, có như thế thì mới cho ra loại thịt chắc, dai và đậm vị chứ không bị bở. Gà làm sạch rồi đem đi luộc trong thời gian vừa đủ để không bị quá mềm hay dai làm mất vị.
8. Mì Quảng
Không giống như các món bún, phở khác sợi mì Quảng dày hơn, dẹp hơn và có màu vàng tươi như nghệ rất đặc trưng.
Đặc biệt, đối với các loại mì, phở, bún thông thường sẽ dùng nước lèo được hầm từ xương. Nhưng đối với món mì Quảng thường nước dùng được làm từ thịt lợn, tôm hoặc thịt gà ninh nhừ để lấy vị ngọt. Ngoài ra, nước dùng ăn cùng mì còn kết hợp với dứa, cà chua để tạo ra mùi vị chua ngọt đặc trưng của tô mì nổi tiếng ở xứ Quảng này.
No comments:
Post a Comment