Ngược dòng thời gian, Lạc Dương là cái nôi của nền văn minh Hoa Hạ, một trong “Tứ đại cố đô của Trung Quốc”. Trong lịch sử đã có 13 vương triều chính thống chọn Lạc Dương là kinh đô, vì thế mà nơi đây còn rất nhiều di tích, danh thắng hấp dẫn du khách.
1.Bạch Mã Tự
là nơi lưu giữ 3 dấu ấn quan trọng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Bạch Mã Tự ngày nay cách thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam, miền Đông Trung Quốc 9km. Đó là nơi được các môn sinh Phật gia công nhận là nơi ở của tổ sư Phật giáo và là nơi Phật Pháp được truyền dạy.ngôi chùa được Hán Minh Đế (29-75 SCN) xây dựng, và có một huyền thoại về việc ra đời của ngôi chùa này. Theo sử sách ghi chép vào thời Đông Hán, niên hiệu Vĩnh Bình, Hán Minh Đế chiêm bao thấy ở một nơi phong cảnh nên thơ có một vị Thần lấp lánh ánh vàng kim bay đến cung điện của ông. Nhà Vua bèn triệu các cận thần của mình đến để hỏi về ý nghĩa giấc mơ của ông. Đại thần Phó Nghị tâu rằng: “Vào ngày mùng 8 tháng Tư, năm thứ 24 thời Chu Chiêu Vương (tức là năm 971 TCN) triều đại nhà Chu, núi sông chấn động, các dòng sông đều cuộn lũ. Buổi tối có những ánh hào quang ngũ sắc chiếu lấp lánh ở phía trời Tây.”Vị Thái sử họ Tô suy đoán rằng đây là dấu hiệu sản sinh của một vị đại thánh nhân ở Tây phương Thiên quốc. “Vị đại thánh nhân này xuống trần gian là để cứu khổ cứu nạn cho con người, theo những lời răn dạy của Ngài sau 1.000 năm thì có thể truyền vào đất nước chúng ta; Giờ đây khi 1.000 năm đã trôi qua và đã đến lúc, hạ thần nghe nói có một vị thánh nhân ở Tây Vực, được người đời kính trọng gọi là “Phật”, đấy có thể là vị ‘Phật’ mà Bệ hạ chiêm bao thấy”.Năm sau Hán Minh Đế lại hạ chiếu chỉ xây dựng một tòa chi viện ở ngoài cửa Ung Môn của Lạc Dương. Chữ “tự” có nghĩa gốc là "quan thự", tuy nhiên vì Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan mới lần đầu đến ở “tự”, và họ cũng là khách ngoại quốc nên nơi ở mới của họ vẫn được gọi là “tự” cho long trọng. Bắt đầu từ đó chùa được gọi là “tự” trong tiếng Trung Quốc, thêm vào đó có một chú ngựa trắng đã mang về toàn bộ kinh Phật và tượng Phật, và để ghi nhớ công lao của chú ngựa trắng đó, tu viện mới được đặt tên là "Bạch Mã Tự", hay "Chùa Ngựa Trắng".
2.Chùa Thiếu Lâm
Chùa Thiếu Lâm là ngôi chùa nằm trên núi Songshan, nằm giữa Lạc Dương và Trịnh Châu. Nơi đây nổi tiếng với môn võ Thiếu Lâm Võ Thuật. Chùa Thiếu Lâm được xây dựng vào những năm 495, khi đến thăm cảnh đẹp ở Lạc Dương này thì du khách sẽ thấy được lối kiến trúc đặc trưng của phong kiến xưa với những cung điện, bản điêu khắc đá đều được giữ nguyên như thuở sơ khai.Rừng chùa là 1 điểm thu hút khác để tham quan, không tính chùa Thiếu Lâm. Rừng chùa là nghĩa địa của chùa Thiếu Lâm. Nơi đây có những ngôi mộ của các nhà sư nổi tiếng từ các giai đoạn lịch sử khác nhau, đây là khu rừng chùa lớn nhất ở Trung Quốc.
Long Môn Thạch Quật (tức hang đá Long Môn) có thể xem là điểm tham quan thú vị nhất của thành phố này. Đây là một quần thể công trình điêu khắc trên đá được xếp hàng quốc bảo ở Trung Quốc, đồng thời được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2000. Về tính nghệ thuật, nhiều người thường so sánh Long Môn Thạch Quật ở Lạc Dương với Bích họa tại Đôn Hoàng. Với chiều dài hơn một km, Long Môn Thạch Quật có 2.345 hang động lớn nhỏ, trong đó có khoảng gần 100.000 tượng điêu khắc.Long Môn Thạch Quật nằm bên cạnh con sông Y - một nhánh về phía nam ngạn của sông Hoàng Hà. Nhìn phong cảnh hữu tình ở hai bên bờ sông chẳng mấy ai tưởng tượng được rằng vào năm 293 TCN cũng là nơi đã diễn ra trận chiến Y Khuyết ác liệt nhất trong lịch sử thời Chiến Quốc.Từ Long Môn Thạch Quật đi qua cầu Mạn Thủy rẽ về hướng trái sẽ đến Hương Sơn Tự. Đến đây bạn sẽ phần nào hiểu tại sao nhà thơ Bạch Cư Dị còn có danh hiệu là “Hương Sơn cư sĩ”. Những năm cuối đời, nhà thơ lui về ở ẩn, quyên tiền xây dựng lại chùa Hương Sơn. Người ta nói ông thường đến chùa đàm đạo với các nhà sư. Cách Hương Sơn tự không xa chính là Bạch Viên, ngôi nhà của Bạch Cư Dị. Tháng 8/846, sau khi nhà thơ qua đời mộ phần của ông cũng được an táng tại đây.
Đến với Lạc Dương khám phá một thành phố từng là kinh thành cổ, đến các di tích danh thắng để hiểu thêm về quá khứ, văn hóa và cuộc đời các danh nhân… Biết đâu bạn sẽ cảm giác như mình được chạm tay vào lịch sử.
No comments:
Post a Comment