Chính xác - Công tâm - Đầy đủ

  • Breaking News

    Smiley face Xem :

    Top 10 loại mứt dễ làm nhất để đón tết

    Tết đến xuân về là dịp để các chị em trổ tài nấu nướng. Mứt là món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp tết để mang ra đãi khách hay cả nhà cùng ngồi ăn nhâm nhi lúc trò chuyện cùng với một tách trà. Sau đây là các loại mứt phổ biến và dễ làm nhất cho các chị em cùng tham khảo và làm vào dịp tết sắp tới.

    1. Mứt dừa

    Luôn có mặt trong hộp bánh mứt của mọi nhà, mứt dừa có thể coi là món mứt “quốc dân” của những ngày Tết. Loại mứt này được ưu thích bởi vị béo béo của dừa pha lẫn vị ngọt của đường làm cho bạn ăn hoài mà không chán. Mứt dừa là những món ăn góp phần làm cho hương vị ngày tết thêm đậm đà hơn.
    Hơn nữa, dừa có nhiều enzym có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa, điều trị các chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Mấy năm gần đây mứt dừa được chế biến rất nhiều kiểu khác nhau như mứt dừa sợi, mứt dừa viên, mứt dừa non… Và đây cũng là một trong các loại mứt tết dễ làm nhất.


    *Nguyên liệu:
    - 1 kg cùi dừa (bạn nên chọn dừa bánh tẻ, không quá non hoặc già)
    - Đường trắng 500 gr
    - Lá dứa thơm (có thể thay thế bằng cà rốt hoặc nước màu để tạo màu, nếu các bạn muốn mứt dừa màu trắng thì không cần nguyên liệu này).
    *Cách làm:
    - Rửa sạch cùi dừa, bào lát mỏng hoặc sợi nhỏ. Sau đó, xả dừa thật sạch với nước cho đến khi nước trong thì thôi.
    - Để dừa ráo, sau đó đổ 500gr đường vào, xóc cho đều và để khoảng 15 phút cho thấm. Bỏ dừa vào 1 cái chảo mỏng, bắt lên bếp bật lửa lớn vừa cho nước đường trong dừ sôi lên, đảo nhẹ tay.
    - Vặn lửa vừa và tiếp tục đảo cho đến khi thấy có váng đường trắng bám xung quanh rìa chảo thì bỏ vani vào dừa.
    - Khi thấy dừa săn với một lớp áo bọc đường khô bên ngoài thì tắt bếp, đem mâm dừa phơi nắng 1 chút sẽ ngon hơn.
    - Cho vào lọ thủy tinh để dùng dần

    2. Mứt cà rốt

    Cà rốt vừa là một loại thực phẩm vừa dễ tìm vừa rẻ tiền và lại rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Mứt cà rốt giòn giòn và mang hương vị của cà rốt tươi cùng màu sắc bắt mắt chắc chắn sẽ đem lại một sự mới lạ cho khay mứt Tết năm nay của gia đình bạn. Cà rốt có tính bình, vị ngọt có tác dụng bổ huyết, kháng khuẩn, giải độc và có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa. Có thể dùng mứt cà rốt từ 30 đến 50g/ngày.

    Nguyên liệu:
    – 500 g cà rốt
    – 1 trái cam nhỏ vắt lấy nước
    – 300 g đường trắng
    – Nước vôi trong
    Cách làm:
    – Cà rốt gọt sạch vỏ, thái sợi hoặc cắt miếng (bạn nên thái dày 1 chút)
    – Ngâm cà rốt vào nước vôi trong (khoảng 3-4  tiếng, nếu ngâm lâu cà rốt sẽ bị cứng quá)
    – Vớt cà rốt ra rửa thật sạch với nước, sau đó đem chần qua nước sôi để sạch mùi nước vôi và bớt mùi hăng
    – Ướp cà rốt với đường (khoảng 30 phút – 1 tiếng cho đường tan và ngấm vào cà rốt)
    – Sên mứt (đảo nhẹ tay).
    – Khi nước đường bắt đầu cạn hạ đến mức lửa nhỏ nhất, sên đến khi đường kết tinh bám đều sợi cà rốt thì tắt bếp, đảo thêm vài phút nữa cho đường phủ đều và mứt khô ráo hơn.
    – Để nguội, cất vào lọ kín để bảo quản.


    3. Mứt đu đủ

    Được làm từ trái đu đủ xanh cùng các hương liệu đặc trưng, mứt đu đủ có màu sắc bắt mắt và độ ngọt vừa phải, ăn không bị ngấy như nhiều loại mứt khác. Mứt đu đủ xanh có nhiều loại như sợi dẻo hay mứt dạng miếng. Mỗi loại sẽ có những hương vị riêng, tùy theo sở thích và khẩu vị của bạn. 

    * Nguyên liệu:
    – 1kg đu đủ xanh (bạn nên chọn đu đủ già, không nên non quá cũng không nên chọn quả chín)
    – Nước vôi trong
    –  Muối
    – Nước cốt chanh
    – 600 g Đường cát trắng
    – Va ni
    * Cách làm: 
    – Đu Đủ gọt vỏ và nạo sợi.
    – Cho 1 ít muối và nước cốt chanh vào nước vôi trong. Ngâm đu đủ vào khoảng 2-3 tiếng.
    – Vớt đu đủ ra và xả lại thật sạch với nước lạnh.
    – Đun sôi một nồi nước cho đủ đủ vào chần 5 phút cho hết mùi vôi.
    – Vớt đu đủ ra xả lại với nước lạnh và để ráo nước.
    – Ướp đường với đu đủ , đường tan hết cho bột vani vào.
    – Sên mứt bằng chảo chống dính, đến khi đường khô bám chặt vào đu đủ, tắt bếp để nguội và cất vào lọ.


    4. Mứt khoai lang

    Khoai lang là một loại củ rất giàu chất xơ, tinh bột và nhiều chất dinh dưỡng khác tốt cho sức khỏe. Khoai lang có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như chè, luộc ăn trực tiếp, khoai chiên,... Đặc biệt, vào những ngày Tết khoai lang còn dùng để làm mứt thơm ngon để nhâm nhi.

    * Nguyên Liệu:
    – 1kg khoai lang tươi.
    – 500 g đường trắng
    – nước vôi trong
    – vani (bạn có thể thay thế bằng bột sô cô lá, bột lá dứa..)
    * Cách làm:
    – Khoai lang gọt sạch vỏ, đem thái miếng hoặc thái khúc như mứt bí.
    – Ngâm khoai lang vào nước vôi trong khoảng 3 tiếng.
    – Vớt khoai ra và xả lại thật sạch với nước để mất mùi vôi.
    – Ướp khoai với đường (tùy khẩu vị các bạn muốn ăn ngọt ăn hay vừa, chú ý khoai lang có vị ngọt rồi). Ướp khoảng  3- 4 tiếng cho đường tan hết. sau đó cho va ni vào.
    – Sên mứt bằng chảo chống dính, lửa vừa cho đến khi Khoai khô, đường bám trắng vào khoai.
    – Tắt bếp, đảo lại vài lần ,để nguội và cho vào lọ dùng dần.


    5. Mứt gừng

    Tương tự như mứt dừa, mứt gừng cũng là cái tên quen thuộc mỗi độ xuân sang. Từng lát mứt gừng vàng thanh, bên ngoài khô với những hạt đường li ti phủ mỏng thoảng vị cay nhè nhẹ, ăn vào vừa thơm lại vừa ấm lòng ngày lạnh.
    Với một số người Tết phải có lát mứt gừng ăn kèm với nước trà thì mới ra hương vị Tết. Mứt gừng được ưa thích bởi hương vị thơm ngon đặc trưng và vị nồng ấm. Vì thế mứt gừng có ý nghĩa cho một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc trong năm mới.

    *Nguyên liệu:
    – 500 g gừng, chọn củ không quá già
    – 250 g đường
    – nước cốt chanh
    – 1 muỗng cà phê muối.
    * Cách làm:
    – Gừng gọt sạch vỏ đem thái lát (không nên thái mỏng quá).
    – Ngâm gừng vào nước muối pha loãng và vắt 1 quả chanh vào.
    – Vớt Gừng ra để ráo.
    – Đun sôi một nồi nước, Vắt chanh vào rồi bỏ gừng vào chần qua 4-5 phút, sau đó đổ gừng ra và tiếp tục đun nồi nước khác và cho gừng vào chần qua (bạn có thể làm như vậy 2-3 lần cho gừng bớt cay, và những lần sau không cần thêm chanh vào)
    – Đổ gừng ra rửa sạch với nước lạnh và để ráo.
    – Ướp gừng với đường cho đến khi đường tan hết.
    _ sên bằng chảo chống dính, các bạn nên để lửa vừa, khi đường gần khô hết để thật nhỏ lửa và đảo đều tay.
    _ Tắt bếp để mứt nguội cho vào lọ và dùng dần.


    6. Mứt hạt sen

    Vì là thứ mứt cao sang bậc nhất nên khó có loại mứt gì bì được hương vị với mứt sen trần. Mứt hạt sen mang một hương vị ngọt bùi, thanh mát và rất mộc mạc mang đến cho người dùng một cảm giác khó quên. Bên cạnh đó, một đĩa mứt hạt sen trong ngày Tết Âm lịch còn mang đến một ý nghĩa gia đình sum vầy để chào đón một năm mới.

    *Nguyên liệu:
    - 500g hạt sen
    - 300g đường phèn
    - Muối, vani
    * Cách làm:
    - Trước tiên các bạn phải lấy hết tim sen ra đẻ loại bỏ chất đắng, tiếp đến rửa sạch và để ráo nước. Nếu các bạn dùng hạt sen khô thì ngâm nước khoảng 4 tiếng để hạt sen nở mềm.
    Đường phèn đem xay thành bột thật mịn, nếu các bạn dùng đường cát thì không cần xay. Các bạn nên dùng đường phèn vì làm mứt hạt sen bằng đường phèn thì vị ngọt không quá gắt.
    Đun sôi nước và cho hạt sen vào luộc đến khi hạt sen mềm vớt ra và ngâm nước lạnh khoảng 10 phút.
    Vớt hạt sen ra để ráo nước. Sau đó cho hạt sen và đường phèn đã xay vào một cái bát lớn ngâm 2-3 tiếng khi hạt sen đã ngấm đường sẽ chuyển sang màu nước trong là được. Nếu các bạn dùng đường cát thì không cần xay nhé!
    Cho hỗn hợp hạt sen và đường vào chảo và đun sôi, khi đường keo lại thì đảo nhẹ, giảm lửa nhỏ và sên đến khi đường khô, bám đều vào hạt sen. Bạn đảo thêm một lát rồi cho ống vani vào là tắt bếp.
    Để mứt nguội và bảo quản trong hũ thủy tinh.


    7. Mứt bí đao

    Bí đao là một loại thực phẩm dân dã, chẳng thế mà từ ngày xưa mứt bí đã là một trong các loại mứt không thể thiếu trong nhiều gia đình vào dịp Tết. Mứt bí đao mang một hương vị thơm ngon, cảm giác mát lạnh đồng thời cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa may mắn trong năm mới. Ngoài ra nó còn là một phương thuốc giải khát, lợi tiểu và tiêu độc cho những cuộc vui ngày Tết.

    *Nguyên liệu:
    - Bí đao
    - Đường
    - Phèn chua, nước vôi trong
    * Cách làm:
    - Bí đao gọt bỏ phần vỏ và ruột, sau đó rửa sạch và cắt thành từng miếng vừa ăn với những hình thù mà các bạn yêu thích.
    - Pha loãng một ít nước vôi trong và cho bí đao vào ngâm khoảng 5-7 tiếng. Sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước cho hết sạch mùi vôi.
    - Chần sơ bí đao qua nước phèn chua khoảng 1-2 phút rồi vớt ra rửa sạch để ráo nước.
    - Cho bí đao và đường vào một cát bát trộn đều và ngâm khoảng 4-5 tiếng cho ngấm đều.
    - Đun sôi hỗn hợp trên với lửa vừa. Đảo đều cho đến khi cạn nước đường thì giảm lửa nhỏ, tiếp tục đảo liền tay để mứt không bị cháy. Bạn sen cho tới khi đường tạo phấn bám vào bí là tắt bếp, đảo thêm cho đến khi nguội hẳn thì lấy chảo mứt xuống khỏi bếp. Để mứt 1-2 tiếng cho thật nguội mới bảo quản. 
    - Trường hợp mứt bị ướt trở lại sau sên, bạn có thể đun nóng chảo, giảm lựa thật nhỏ và cho mứt vào sên lại đến khô là được. 

    8. Mứt xoài dẻo

    Khi mùa xoài đến cũng là lúc Tết đến, tận dụng luôn những trái xoài xanh thơm để làm mứt xoài bày trên khay mứt bánh Tết thì tuyệt vời luôn. Những miếng mứt xoài mềm thơm, có chút chua có chút ngọt thanh, nhâm nhi cùng với trà nóng không còn gì bằng. Bạn thậm chí cũng có thể tận dụng luôn xoài chín vàng để chế biến mứt xoài dẻo chua ngọt. Chắc chắn đây sẽ là một trong những loại mứt “đắt khách” nhất trong mùa Tết này.

    *Nguyên liệu:

    - 1kg Xoài xanh

    - 2 muỗng canh Vôi bột

    - 600g Đường trắng

    -1 muỗng canh Phèn chua

    * Cách làm:
    - Đem xoài đi rửa sạch, gọt vỏ ngoài rồi cắt xoài thành những miếng dày và dài. Hòa 2 muỗng canh bột vôi vào 2 lít nước, đợi lắng xuống, gạn lấy nước trong, sau đó cho xoài vào ngâm khoảng 3 tiếng.
    - Vớt xoài ra rửa sạch cho hết mùi vôi, đặt lên bếp nồi nước, cho thêm vào 1 muỗng canh phèn chua, đun nước sôi rồi cho xoài vào chần qua, sau đó đổ ra rửa lại với nước.
    - Ngâm xoài với 600g đường, để đường tan hết, thỉnh thoảng xóc đều hoặc đảo đều cho miếng xoài ngấm đường. Khi đường tan hết thì đem sên mứt trên bếp với mức lửa nhỏ, thỉnh thoảng đảo đều cho miếng xoài được trong đều. Thấy miếng xoài trong, nước đường cạn và sánh lại thì tắt bếp.
    - Nếu muốn mứt xoài dẻo được khô hơn, bạn có thể sấy trong tủ lạnh hoặc sấy trong lò nhiệt độ 100 độ C khoảng 40 - 60 phút. Khi mứt nguội hẳn thì bảo quản hũ kín dùng dần.

    9. Mứt táo

    Bạn hay mua táo Tàu khô để bày trí trong khay bánh Tết? Vậy tại sao bạn không thử tự tay làm mứt táo này, thay vì không có táo Tàu tươi bạn có thể mua táo ta để làm mứt. Cách làm mứt táo cũng khá đơn giản, lại vô cùng dễ ăn, chắc chắn sẽ làm gia đình bạn thích thú và hài lòng, nhất là trẻ con. Vị chua mềm dịu nhẹ sẽ góp phần không nhỏ khiến mâm bánh của bạn “sạch sẽ”.

    *Nguyên liệu:
    1kg Táo
    - 500g Đường trắng
    - 15g Vôi bột
    - 30g Phèn chua
    * Cách làm:
    - Táo nhặt bỏ cuống, rửa sạch, dùng tăm nhọn xăm đều lên quả táo để giúp táo ngấm đường đều và nhanh.
    - Pha nước vôi trong với tỉ lệ 1 lít nước:10g vôi rồi để lắng gạn lấy nước trong. Ngâm táo 8 tiếng rồi vớt ra xả sạch dưới vòi nước lạnh.
    - Hòa tan một thìa phèn chua với nước. Đun sôi nước rồi cho táo vào chần đến khi vỏ ngả vàng thì vớt ra âu nước lạnh. Xả sạch táo rồi để ráo nước.
    - Ướp táo với đường đến khi đường tan hoàn toàn. Cho táo vào chảo đáy dày và đun nhỏ lửa. Để đường sôi nhẹ vỏ táo sẽ dần dần chuyển sang màu cánh gián và teo lại. Sên đến khi nước đường cạn thì đem táo để nơi khô ráo cho nguội rồi cất vào lọ kín.

    10. Mứt quất

    Trong ngày Tết mà nhắc đến nhiều loại mứt như mứt dừa, mứt hạt sen, mứt gừng thì không thể nào thiếu đi món mứt tắc vàng. Dường như món mứt tắc vàng xuất hiện mỗi ngày, có khi nhà nào cũng có bởi tác dụng trị bệnh của nó, nhưng ngày Tết bạn hãy làm mới món tắc vàng bằng cách làm sên lại. Bí quyết trong cách làm mứt tắc là phải thơm, ngọt và dẻo chứ không bị đắng, các chị em hãy tranh thủ làm ngay để Tết dùng dần nhé!

    *Nguyên liệu:
    2 lít Nước vôi trong
    - 800g Đường trắng
    - 1 muỗng cà phê Muối
    * Cách làm:
    - Tắc rửa sạch, cắt làm đôi, vắt hết nước, rửa lại lần nữa với nước lạnh. Nước tắc lượt sạch, để vào tủ lạnh. Ngâm tắc vào nước vôi trong khoảng 18 tiếng đồng hồ.
    - Vớt tắc ra khỏi nước vôi, xả lại nước lạnh vài lần cho đến khi nước trong, vắt nhẹ cho tắc khô nước.
    - Cho tắc và 800g đường vào chảo lớn, trộn đều, để khoảng 8 giờ đồng hồ cho tắc ngấm đều đường. Đặt chảo tắc lên bếp, để lửa lớn.
    - Cho hết phần nước tắc và muối vào chảo, trộn đều nhẹ tay, cứ khoảng 10 phút trộn một lần. Sau 30 phút, vớt tắc ra khỏi chảo. Tiếp tục để lửa lớn cho nước đường trong chảo hơi sánh lại.
    - Khi nước đường trong chảo sánh lại, cho tắc trở lại vô chảo, hạ lửa vừa, trộn đều nhẹ tay thường xuyên cho đến khi nước đường khô hết. Tắt lửa. Để chảo mứt tắc qua đêm cho mứt nguội. Cho mứt tắc vào keo, để vào tủ lạnh dùng dần.


    No comments:

    Ẩm Thực

    Trung Tâm

    Dịch Vụ