Tỉnh Hà Nam có rất nhiều những lợi thế để phát triển du lịch do vị trí địa lý nằm ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, trên tuyến du lịch xuyên Việt nên có lợi thế so sánh rất quan trọng để thu hút mạnh mẽ thị trường khách du lịch xuyên Việt và thị trường khách du lịch cuối tuần của Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Dưới đây là top 5 địa điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến với Hà Nam.
Chùa Tam Chúc
Tam Chúc là khu du lịch tâm linh trọng điểm nối liền 4 tỉnh Hà Nội- Hà Nam- Hòa Bình- Ninh Bình. Chùa bắt đầu đưa vào hoạt động vào năm 2019, là một trong những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng và lớn nhất ở Việt Nam. Ngôi chùa tọa lạc trong một khung cảnh thơ mộng, với trước mặt là hồ nước bát ngát, bao quanh là những dãy núi đá vôi và những khu rừng tự nhiên, mang đến bầu không khí thanh bình, tĩnh lặng cho mọi du khách ghé thăm. Chùa Tam chúc- Hà Nam được ví như vịnh Hạ Long trên cạn.
Năm 2019, chùa Tam Chúc được chọn làm nơi tổ chức Ngày lễ Phật Đản Vesak của Liên Hợp Quốc hay còn gọi là Đại lễ Phật đản chùa Tam Chúc. Sự kiện này được tổ chức vào tháng 5/2019 với sự tham gia của hàng ngàn các vị chức sắc, tín đồ Phật giáo và các nhà nghiên cứu quốc tế.
Thời điểm để đi du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam lý tưởng nhất là vào mùa xuân, cụ thể là những tháng đầu năm, thời điểm của mùa lễ hội, từ 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 Âm lịch, khí hậu mát mẻ, thêm vào đó, du khách có thể tham gia bái Phật, cầu mong tiền tài, phúc lộc.
Địa chỉ: thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách thành phố Hà Nội khoảng 70km, cách chùa Bái Đính (Ninh Bình) khoảng 30km, cách chùa Hương (Hà Nội) khoảng 4,5km.
Chùa Phật Quang
Chùa Phật Quang được khởi công vào năm 2015, đến nay đang dần được hoàn thiện, trở thành địa điểm du xuân tâm linh của rất nhiều du khách. Đến đây, ta dễ dàng thấy vẻ đẹp dung dị, tinh tế trong cách trang trí khuôn viên chùa, đem lại không gian thanh tịnh, nhẹ nhàng cho mọi người khi bước chân vào chùa.
Chùa được xây dựng trên khuôn viên rộng 5.000m2, mặt sân được rải đá mạt tráng trắng tinh khôi, đường đi là đá tự nhiên cắt thành từng miếng nhỏ. Đây là đạo tràng Phật tử tu tập lớn tại Hà Nam, được Đại đức Thích Thiên Ân dày công chăm sóc và kiến tạo từ kiến trúc cổ, diện tích toàn cảnh lên đến 13ha.
Đặt chân tới chùa, bạn sẽ không khỏi trầm trồ trước khung cảnh nên thơ chốn cửa Phật. Với nhiều tượng lớn nhỏ, nước non hữu tình, lòng người bỗng dưng bình an đến lạ.
Địa chỉ: xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, Hà Nam
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Cách chùa Phật Quang không xa, Địa tạng phi lai tự cũng đang là một địa điểm du lịch tâm linh mà bạn không thể không đặt chân khi đến Hà Nam.
Ban đầu, chùa mang tên chùa Đùng – ngôi chùa bị bỏ hoang, ít ai biết đến nên xuống cấp trầm trọng. Mãi đến tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang mới về tiếp nhận, tu sửa lại khang trang và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai như hiện nay.
Đặc trưng của chùa vào các mùa thường là: xuân với muôn sắc hoa tươi mới, nhiều không gian mang hình ảnh của Tết cổ truyền; mùa hè với không khí mát mẻ, cây cối xanh mướt; mùa thu là mùa của các lễ hội lớn như Vu Lan, lễ Vía Đức Địa Tạng Bồ Tát, Trung Thu,….; cuối cùng là mùa đông với các buổi trồng cây xanh quanh chùa.
Nếu muốn tìm đến ngôi chùa như một chốn bình yên để trú ẩn tâm hồn, quên hết những phiền muộn, lo toan và nguyện cầu cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống thì Địa tạng Phi lai tự là một đề xuất rất phù hợp.
Địa chỉ: thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.
Chùa Bà Đanh và núi Ngọc
Chùa Bà Đanh hay còn gọi “Bảo Sơn Nữ”, tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung.
Nơi đây được biết đến với câu truyền miệng trong dân gian "vắng như chùa Bà Đanh", tuy nhiên không hẳn là như vậy. Ngôi chùa đang đần được xây dựng và tu sửa lại mà vẫn giữ những nét cổ kính xưa, thu hút nhiều khách du lịch tới thăm. Chùa có vị trí là nơi sơn thủy hữu tình với khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ.
Núi Ngọc cách chùa Bà đanh 100m về phía bắc. Đứng trên ngọn núi, du khách có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ. Nằm hoàn toàn biệt lập với khu dân cư, trên núi, dưới sông, gần đền, gần chùa, núi Ngọc quả là một thắng cảnh của đất Kim Bảng, một địa điểm du lịch đầy hấp dẫn.
Địa chỉ: thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam
Đền Trúc- Ngũ động Thi Sơn
Nằm trong rừng trúc cổ từ thời Nhà Lý và được xây dựng trong khoảng năm 1069 khi Lý Thường Kiệt chinh phạt Chiêm Thành đại thắng trở về. Đền Trúc nằm bên bờ Sông Đáy chảy hiền hòa bao quanh Núi Cấm. Nhìn từ cổng vào khá là đơn sơ, nhưng khi bước chân trên con đường thẳng tắp dưới hàng trúc xanh mướt. Bạn sẽ cảm thấy nó thân thương, hiền hòa như tiên cảnh.
Hàng năm, lễ hội Đền Trúc ở Hà Nam được tổ chức trong nhiều ngày đầu xuân, từ mồng 1 tháng Giêng đến ngày 10 tháng Hai âm lịch, với nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, thể hiện lòng tri ân và tưởng nhớ về vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.
Lễ hội Đền Trúc được mở vào những ngày nông nhàn nên thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa về dự.
Bước ra hỏi cổng đền, rẽ trái đi chừng gần 200 mét nữa tới Ngũ Động. Ngũ động gồm có 5 động thông với nhau. Với kiến tạo địa chất của núi đá vôi hàng triệu năm tạo nên những hình thù tượng hình rất đặc sắc. Màu sắc, độ xốp, da nhũ… cũng khác nhau. Có nhũ ẩn sâu trong bóng tối, gặp ánh đuốc rọi vào bỗng rực lên như châu ngọc. Có nhũ mang hình chiếc trống nằm, trống treo, dàn mõ, mà thật đặc biệt, khi đánh lên, âm vang như thật. Thời Kháng chiến chống Pháp, Ngũ Động Sơn được dùng làm nơi để bộ đội đóng quân và cất giữ vũ khí, quân dụng.
Địa chỉ: xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.
No comments:
Post a Comment